Bệnh vì ô nhiễm không khí… trong nhà!

Bệnh vì ô nhiễm không khí… trong nhà!

Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy chất lượng không khí trong nhà và cao ốc văn phòng trên toàn thế giới đang sút giảm nghiêm trọng. Ước tính có gần 1 tỉ người, phần lớn là trẻ em và phụ nữ, đang hít thở không khí trong nhà với mức ô nhiễm gấp 100 lần cho phép của WHO! Tại sao có chuyện này?
Hen suyễn, dị ứng, viêm mũi… vì đóng kín cửa
Dọn về ngôi nhà mới chưa đầy 1 tháng, nhưng chị N.T.X, 45 tuổi, ngụ tại Tân Bình – TP.HCM, đã phải nhập viện cấp cứu 3 lần vì lên cơn hen suyễn dù trước đó chị không hề mắc bệnh này. Sau một thời gian điều tra nguyên nhân bệnh, cuối cùng bác sĩ mới phát hiện chị bị hội chứng “ngôi nhà kín” do thói quen đóng kín cửa để sử dụng máy lạnh, trong khi nhà lại có nhiều vật dụng mới, tỏa ra những khí gây dị ứng. Sau khi nghe lời bác sĩ, mở cửa cho không khí lưu thông mỗi ngày 3 lần, chị không còn khổ sở vì khó thở.
12
Mặc dù chưa có một khảo sát nào tại nước ta về ô nhiễm không khí trong nhà, nhưng bác sĩ Trương Nhuận Xương, phòng Quản lý và Điều trị hen phế quản Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết qua thực tế khám bệnh, anh đã gặp không ít những trường hợp này. Nhiều người thường xuyên đóng kín cửa (để tránh ồn và bụi), nhưng trong nhà lại không thường xuyên quét dọn, nên nấm mốc phát triển, và thế là cứ đều đặn… sử dụng thuốc cắt cơn hen vì hít thở nấm mốc. Có người khác lại dị ứng mỗi khi lên giường ngủ. Phải mất rất nhiều thời gian, bác sĩ và bệnh nhân mới tìm được nguyên nhân gây bệnh, đó là do con mạt, một loại côn trùng rất nhỏ sống trong những lỗ nệm, thường phát triển trong môi trường ít không khí, vệ sinh kém.
TS-BS Trần Minh Trường, Trưởng Khoa Tai-Mũi-Họng BV Chợ Rẫy, cũng thừa nhận con mạt là nguyên nhân thường gặp gây viêm mũi, viêm xoang dị ứng. Nhưng theo bác sĩ Trường, tình trạng đáng ngại ở nhiều ngôi nhà và văn phòng làm việc ở TP hiện nay lại là do mất cân bằng thành phần không khí. Thật vậy, để tiết kiệm điện năng tiêu thụ bởi máy lạnh, những nơi này thường “tăng cường” đóng cửa, khiến khí oxy trong không khí giảm, nhưng CO2 lại tăng. Hậu quả là niêm mạc đường hô hấp bị phù nề, tăng tiết dịch, làm tắc các lỗ thông trong mũi và xoang, từ đây bệnh viêm mũi, viêm xoang dễ phát triển.
Thiệt hại không ngờ
Báo cáo của Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ năm 2003 cho biết tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà làm thiệt hại hàng tỉ USD vì chi phí chăm sóc sức khỏe, nghỉ bệnh, giảm năng suất làm việc. Một khảo sát mới đây tại Anh cho thấy hiệu suất làm việc của nhân viên văn phòng giảm đến 20% hay nhiều hơn vì chất lượng không khí nơi làm việc tệ hại. Một bác sĩ trưởng khoa BV Phạm Ngọc Thạch cho biết vấn đề của những cao ốc, văn phòng hiện nay có thể xuất phát từ việc sử dụng máy lạnh trung tâm, vì từ đây không khí ô nhiễm được tích tụ, lưu chuyển đến mọi chỗ, khiến người có cơ địa dị ứng dễ mắc bệnh. Bác sĩ này lưu ý nhiều loại nấm mốc và vi khuẩn sống trong máy lạnh có thể gây ra một số bệnh viêm phổi, viêm não nặng, thậm chí gây chết người!
Nhưng cũng phải lưu ý đến cả những thiết bị bình thường. Một kỹ sư cho biết nhiều loại máy lạnh và làm sạch không khí đời mới được cho là có tính năng cải tạo không khí trong nhà, nhưng nếu sử dụng không đúng thì chúng cũng gây hại. Chẳng hạn bộ lọc các máy này có thể lấy đi những chất kích thích như nấm mốc, khói, bụi, thậm chí là tế bào da người bay lơ lửng trong không khí. Tuy nhiên, nếu không vệ sinh đúng mức, bộ lọc này lại là nguồn phát tán chất độc ra môi trường, thậm chí còn làm không khí ô nhiễm hơn trước đó!
30.000 ca tử vong vì ung thư phổi do hít khói thuốc lá
Khói thuốc lá chứa 2.000 – 5.000 thành phần, trong đó có 200 thành phần độc hại và 40 chất được cho là gây ung thư. Nhiều khảo sát cho thấy nồng độ benzen ở những ngôi nhà có người hút thuốc thường rất cao. Thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút, mà còn cho người không hút. Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đánh giá có khoảng 30.000 trường hợp tử vong do ung thư phổi vì hít khói thuốc lá (hút thuốc thụ động). Ở trẻ không bị hen suyễn, khói thuốc có thể gây ra những cơn hen; còn trẻ đã bị hen suyễn thì khói thuốc lại làm cơn hen trở nên nặng hơn. Vì thế, nếu hút thuốc, nên hút ở ngoài nhà, hoặc ở những nơi được thiết kế riêng.
5 điều cần làm để giữ nhà được sạch sẽ
1. Không hút thuốc lá trong nhà: Nếu bạn đang hút thuốc thì phải bỏ thuốc lá ngay bây giờ và tránh xa khói thuốc lá. Đặc biệt không cho trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá.
2. Tránh bụi, phấn hoa và con mạt: Bạn có thể không nhìn thấy con mạt nhưng chúng lại hiện diện nhiều trong quần áo bẩn hay tấm thảm. Vì thế:
- Nên bọc nệm và gối bằng chất liệu đặc biệt có thể chống bụi và ẩm. Không nên nằm trên nệm bọc vải. Nên giặt gối nệm thường xuyên mỗi tuần bằng nước nóng.
- Giặt thường xuyên mền, tấm trải giường và phơi nắng thật khô.
- Không để thú nhồi bông trong phòng ngủ và thường xuyên giặt chúng bằng nước nóng.
3. Làm sạch không khí quanh bạn:
- Nếu bạn đang sử sụng máy điều hòa thì nên thường xuyên làm vệ sinh và thay bộ lọc định kỳ.
- Thường xuyên mở cửa sổ để làm thông thoáng khí trong phòng (phòng làm việc, phòng ngủ…). Nên sử dụng quạt để tạo sự trao đổi khí bên trong và bên ngoài.
- Cố gắng làm giảm độ ẩm trong phòng xuống dưới 50% bằng cách sử dụng máy làm giảm độ ẩm trong không khí.
- Không nên sử dụng nước hoa xịt phòng có mùi quá nồng vì điều này có hại cho sức khỏe.
4. Không cho thú nuôi vào nhà: Một số người có thể dị ứng với lông hay nước bọt của thú vật nuôi, vì thế không nên cho thú nuôi vào nhà và tránh xa thú nuôi có mùi gây kích ứng.
5. Tránh xa gián: Chất tiết của gián có thể làm bệnh nhân suyễn lên cơn. Do đó, không nên đưa thức ăn vào phòng ngủ. Thức ăn thừa phải được gói kỹ bỏ vào thùng rác. Có thể sử dụng thuốc diệt gián khi không có bệnh nhân suyễn ở nhà.